Soạn bài: Các phương châm hội thoại (tiếp theo)

I - NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Ngoài phương châm về lượng và phương châm về chất, còn có phương châm quan hệ, phương châm cách thức, phương châm lịch sự.

- Phương châm quan hệ là nói đúng vào đề tài giao tiếp.

- Phương châm cách thức là diễn đạt sao cho mạch lạc, ngắn gọn, tránh cách nói mơ hồ.

- Phương châm lịch sự là biết tôn trọng người đối thoại và tế nhị trong giao tiếp.

II - HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Phương châm quan hệ

- Thành ngữ ông nói gà, bà nói vịt để chỉ tình huống hội thoại mà mỗi người nói một đề tài khác nhau. Hậu quả là không hiểu nhau hoặc hiểu sai nội dung nói. Tìm một dẫn chứng trong đời sống hoặc trong văn học. Ví dụ :

CHÁY

Một người sắp đi chơi xa, dặn con rằng :

- Ở nhà có ai hỏi thì bảo bố đi chơi vắng.

Nhưng sợ con mải chơi quên mất, ông cẩn thận viết cho nó một cái giấy rồi bảo rằng :

- Có ai hỏi thì cứ đưa cái giấy này ra.

Con cầm giấy bỏ vào túi áo. Cả ngày chẳng thấy ai hỏi, tối đến sẵn có ngọn đèn, nó giở giấy ra xem, chẳng may cháy mất.

Hôm sau có người đến hỏi bố nó đi đâu. Sực nhớ ra tờ giấy hôm qua, nó bảo :

- Mất rồi.

Khách giật mình :

- Mất bao giờ ?

Nó đáp :

- Tối hôm qua.

- Sao mà mất ?

- Cháy.

Kết luận : Khi giao tiếp cần nói đúng vào đề tài, tránh nói lạc đề.

2. Phương châm cách thức

Câu hỏi 1

- Thành ngữ dây cà ra dây muống chỉ cách nói dài dòng, chuyện nọ xọ chuyện kia, không đúng đề tài giao tiếp. Thành ngữ lúng búng như ngậm hột thị chỉ cách nói không mạch lạc, khiến người nghe không hiểu hoặc hiểu sai ý.

- Cả hai cách nói trên đều khiến cho việc giao tiếp ít hiệu quả hoặc không có hiệu quả.

- Bài học : Khi giao tiếp phải nói ngắn gọn, mạch lạc.

Câu hỏi 2

Câu Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy có thể hiểu theo 2 cách :

- Động từ “nhận định” có hai bổ ngữ - “về truyện ngắn” và "của ông ấy” - do đó có thể đảo bổ ngữ “của ông ấy” lên trước thì câu trên nghĩa là : Tôi đồng ý với những nhận định của ông ấy về (thể loại) truyện ngắn.

- Cụm từ “của ông ấy” là định ngữ bổ nghĩa cho “truyện ngắn” - tức là truyện ngắn do ông sáng tác - thì câu trên hiểu là : Tôi đồng ý với những nhận định (của ai đó) về truyện ngắn của ông ấy (sáng tác).

Để người nghe hiểu đúng điều muốn nói :

- Theo nghĩa thứ nhất : Tôi đồng ý với những nhận định của ông ấy về truyện ngắn.

- Theo nghĩa thứ hai : Tôi đồng ý với những nhận định của họ về truyện ngắn của ông ấy.

Kết luận : Khi giao tiếp phải nói rành mạch, tránh mơ hồ (tránh hiểu theo nhiều nghĩa).

3. Phương châm lịch sự

Người ăn xin và cậu bé đều cảm nhận được cái gì đó tốt đẹp từ người kia bởi vì cả hai đều có một tấm lòng nhân ái, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác. Cậu bé không còn gì để cho ông lão ăn xin nhưng thái độ hết sức chân thành. Ông lão đọc được điều đó nên cũng thấy ấm lòng, cho nên từ dáng vẻ đau khổ - “đôi mắt đỏổ hoe, nước mắt giàn giụa” - ông lão đã nở nụ cười hạnh phúc, đúng như câu tục ngữ : Chẳng được miếng thịt miếng xôi - Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.

Kết luận : Khi giao tiếp cần tế nhị và tôn trọng người khác.

4. Luyện tập

Bài tập 1

a) Lời chào cao hơn mâm cỗ : thái độ quý mến, lịch sự quan trọng hơn giá trị vật chất của mâm cỗ.

b) Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau : lời nói nhã nhặn lịch sự không tốn kém gì mà hiệu quả lại lớn.

c) Kim vàng ai nỡ uốn câu - Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời : chiếc kim bằng vàng (vật quý) không ai nỡ uốn làm lưỡi câu (vật tầm thường), vậy người khôn (khôn ngoan, hiểu biết) không nên nói nặng lời với nhau (không tương xứng với giá trị của mình).

Tất cả các câu tục ngữ trên đều khuyên mọi người khi giao tiếp cần lịch sự, nhã nhặn.

Một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự :

- Một câu nhịn là chín câu lành.

- Người thanh tiếng nói cũng thanh

Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.

- Đất tốt trồng cây rườm rà

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.

- Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời.

- Chẳng được miếng thịt miếng xôi

Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.

Bài tập 2

Phép nói giảm nói tránh có liên quan nhiều nhất đến phương châm lịch sự.

Ví dụ:

- Nhận định về một người có ngoại hình xấu, ta nói : “Cô ấy không được đẹp lắm".

Để trả lời câu hỏi của phụ huynh học sinh về tình hình học tập của một em học yếu, cô giáo nói : "Cháu học chưa được vững lắm". Dân gian cũng có nhiều câu chuyện vui nói về tình huống sử dụng nói giảm nói tránh để đảm bảo lịch sự khi giao tiếp, Chẳng hạn câu chuyện sau :

Chủ nhà mải nói chuyện về nhà cửa nên cơm trong rá hết mà không biết. Khách bảo :

- Gần nhà tôi cũng có một cái nhà đang rao bán.

Chủ:

- Cái nhà ấy thế nào ?

Khách cầm cái rá không lên, nói :

- Cái nhà ấy to lắm. Cột cỡ như cái rá này.

Chủ nhà biết ý liền gọi người nhà lấy thêm cơm. Rồi ông ta lại thản nhiên nói tiếp câu chuyện :

- Thế họ rao bán bao nhiêu ?

Khách vừa xới cơm vào bát vừa nói :

- Ấy là nói chuyện khi đói, họ định bán, chứ bây giờ no rồi, họ còn bán lám gì nữa !

Bài tập 3

Phần đã cho của câu chính là phần nghĩa của các từ ngữ phải điền. Dựa vào đó ta chọn từ ngữ thích hợp. Lưu ý, ngoài những từ ngữ cho sẵn, có thể tìm thêm được những từ ngữ khác cũng thích hợp.

a) Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách là nói mát (hoặc nói kháy).

b) Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói là nói hớt (nói cướp lời). (Chú ý : ở một số địa phương, “nói hớt” (hay “hớt lẻo”) có nghĩa khác : mách trước chuyện không hay về một người cho một người khác, vô tình hay cố ý đã làm hại họ và gây chia rẽ hai người. Thành ngữ : banh toe hớt lẻo).

c) Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là nói móc (nói mỉa).

d) Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là nói leo.

Chú ý : “nói leo” còn có nghĩa là nói dựa theo ý người khác (ăn theo, nói leo).

e) Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau là nói ra đầu ra đũa.

Các từ ngữ trên đều liên quan đến phương châm lịch sự (a, b, c, d) và phương châm cách thức (e).

Bài tập 4

Các cách diễn đạt này đều liên quan đến các phương châm hội thoại :

a) Nhân tiện đây xin hỏi : Dùng khi người nói hỏi "về một đề tài ngoài đề tài đang trao đổi, để người nghe thấy mình vẫn tuân thủ phương châm quan hệ, đồng thời để người nghe chú ý vào vấn đề mình cần hỏi. Cách diễn đạt này cũng thể hiện phương châm lịch sự.

b) Cực chẳng đã tôi phải nói ; tôi nói điều này có gì không phải anh bỏ qua cho ; biết là làm anh không vui, nhưng... ; xin lỗi, có thể anh không hài lòng nhưng tôi cũng phải thành thực mà nói là... Các cách diễn đạt này dùng khi phải nói điều khó nói, dễ gây mất lòng người nghe. Nó có tác dụng “rào đón” để người nghe có thể chấp nhận, cảm thông, làm giảm nhẹ sự khó chịu (phương châm lịch sự).

c) Đừng nói leo ; đừng ngắt lời như thế; đừng nói cái giọng đó với tôi: là cách cảnh báo cho người đối thoại biết rằng anh ta không tuân thủ phương châm lịch sự và phải chấm dứt nếu muốn tiếp tục đối thoại.

Bài tập 5

- Nói băm nói bổ (nói như dao băm, như búa bổ) : nói thô bạo, thiếu nhã nhặn (phương châm lịch sự).

- Nói như đấm vào tai : nói thô lỗ, ngang ngạnh, làm người nghe rất khó chịu (phương châm lịch sự).

- Điều nặng tiếng nhẹ : lời nói nặng về trách móc, chì chiết (phương châm lịch sự).

- Nửa úp nửa mở : nói mập mờ, không rõ ý, không hết ý nhằm thăm dò hay gây hoang mang cho người nghe (phương châm cách thức).

- Mồm loa mép giải (mồm to như cái bát loa, mép rộng như mép con giải; một loài rùa nước ngọt, trông giống con ba ba nhưng cỡ rất lớn, sốông ở vực sâu) : nói nhiều, nói ngoa ngoắt, cố át người khác, bất chấp lẽ phải (phương châm lịch sự).

- Đánh trống lảng : tìm cách chuyên đề tài đang trao đổi sang đề tài khác để tránh phải trả lời vào vấn đề khó khăn (phương châm quan hệ).

- Nói như dùi đục chấm nước cáy : nói thô kệch, vụng về, gây khó chịu cho người nghe (phương châm lịch sự).

Viết bình luận