Soạn bài: Các phương châm hội thoại (tiếp theo)

I - NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Để giao tiếp thành công, người nói phải nắm vững các phương châm hội thoại; tuy nhiên, vận dụng phương châm hội thoại nào lại phải căn cứ vào tình huống giao tiếp cụ thể. Có thể một câu nói tuân thủ phương châm hội thoại trong tình huống giao tiếp này nhưng lại không tuân thủ phương châm hội thoại ấy trong một tình huống khác.

2. Phương châm hội thoại không có tính bắt buộc như những quy tắc ngữ pháp. Có những tình huống giao tiếp mà người nói tìm cách đánh trống lảng (không tuân thủ phương châm quan hệ), nói mơ hồ, vòng vo (không tuân thủ phương châm cách thức), phải lớn tiếng để thể hiện sự kiên quyết, sự phản đối (không tuân thủ phương châm lịch sự),... lại là cần thiết.

3. Ngoài ra, việc không tuân thủ một phương châm hội thoại nào đó còn có thể do phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại khác, hoặc người nói muốn người nghe hiểu câu nói theo một nghĩa hàm ẩn nào đó.

I - HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp

1. Anh chàng trong câu chuyện Chào hỏi tuân thủ đúng phương châm lịch sự : Ân cần hỏi thăm, thể hiện sự cảm thông với nỗi vất vả của người đang đốn cành. Tuy nhiên sự hỏi han không đúng lúc đã làm vất vả thêm cho người được hỏi han.

- Kết luận : Cần vận dụng phương châm hội thoại phù hợp với tình huống giao tiếp.

2. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại

Câu hỏi 1

Trong các ví dụ đã phân tích khi học về các phương châm giao tiếp, chỉ có tình huống trong truyện Người ăn xin, phương châm lịch sự được tuân thủ, còn lại đều không tuân thủ phương châm hội thoại.

Câu hỏi 2

Câu trả lời của Ba không đáp ứng nhu cầu thông tin như An mong muốn (An hỏi “năm nào” mà Ba lại trả lời “khoảng đầu thế kỉ XX”). Phương châm hội thoại về lượng đã không được tuân thủ. Nhưng Ba phải nói như vậy vì không biết chính xác năm chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên. Trong tình huống này Ba buộc phải vi phạm phương châm về lượng (nói không đủ) để được phương châm về chất (không nói điều mình không tin).

Câu hỏi 3

- Khi bác sĩ nói với một người mắc bệnh nan y thì có thể phương châm về chất (hoặc cả về lượng) không được tuân thủ : không nói rõ, nói hết mức độ hiểm nghèo của bệnh cũng như sự bất lực của y học hiện thời,... Điều đó có thể có lợi cho việc điều trị, chí ít cũng bớt đi nỗi đau khổ cho người bệnh (nếu là bệnh vô phương cứu chữa), giúp họ sống tốt hơn những ngày còn lại. "Nói dối” ở đây có ý nghĩa khoa học và nhân đạo.

- Những tình huống giao tiếp khác mà phương châm về chất cũng không được tuân thủ, ví dụ : “nói dối” vì sự giữ gìn bí mật, vì giữ sự tế nhị, lịch sự, để tránh sự lo lắng cho người khác,... “Nói dối" trong những tình huống ấy không những không có hại mà còn có lợi.

Câu hỏi 4

Khi nói “Tiền bạc chỉ là tiền bạc”, phương châm về lượng đã không được tuân thủ : nó không cho người nghe một thông tin nào (xét nghĩa tường minh). Nhưng câu này có hàm ý rằng : tiền bạc chỉ là phương tiện sống, không phải là mục đíchốông, không thể thay thế cho các giá trị khác.

3. Luyện tập

Bài tập 1

Câu trả lời của người bố trong mẩu chuyện này đã không tuân thủ phương châm cách thức (ở đây là sư mơ hồ về nghĩa). Một cậu bé năm tuổi không có ý niệm gì về Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao. Người nói đã không quan tâm đến đối tượng giao tiếp.

Bài tập 2

Các nhân vật Chân, Tay, Tai, Mắt đã không tuân thủ phương châm lịch sự : không chào hỏi mà nói thẳng những lời lẽ nặng nề. Việc không tuân thủ phương châm lịch sự của các nhân vật này là không có lí do chính đáng. Vì Chân, Tay, Tai, Mắt đã không thấy mối quan hệ khăng khít giữa họ và lão Miệng. Nếu đọc cả câu chuyện ta càng thấy rõ điều này.

Viết bình luận