Soạn bài: Bánh Chưng, bánh Giầy (Tự học có hướng dẫn)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Xem lại mục 1.1 của bài Con Rồng cháu Tiên (trang 5).

2. Bánh chưng, bánh giầy là một truyền thuyết giải thích về phong tục làm bánh chưng, bánh giầy trong dịp Tết Nguyên đán ; qua đó tác giả dân gian đề cao lòng tôn kính đối với Trời, Đất và sự biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên của mình ; đồng thời ca ngợi tài năng sáng tạo và ý thức tìm tòi, xây dựng nền văn hoá đậm đà phong vị dân tộc.

3. Tóm tắt truyện

Hùng Vương có tới hai mươi người con trai. Lúc về già, để chọn ngươi kế ngôi, nhà vua ra điều kiện: Không nhất thiết là con trưởng, ai làm vừa ý vua trong lễ Tiên vương sẽ được vua truyền ngôi cho. Các lang đua nhau làm lễ thật hậu, chỉ có Lang Liêu - người con trai thứ mười tám là buồn, vì mẹ bị ghẻ lạnh và đã mất. Không như các lang khác có thể sai người đi tìm của quý trên rừng, dưới biển, Lang Liêu chỉ quen việc trồng khoai, trồng lúa, và chàng lại nghĩ: khoai lúa tầm thường quá!

Một đêm, chàng mộng thấy thần và được thần gợi ý, chàng làm ra một loại bánh hình vuông và một loại bánh hình tròn để dâng vua. Vua rất vừa ý, chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời, Đất và Tiên vương.

Vua họp mọi người lại, đặt tên bánh hình tròn là bánh giầy, bánh hình vuông là bánh chưng và truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đấy, bánh chưng, bánh giầy là hương vị không thể thiếu trong ngày Tết.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. a) Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh: đất nước thanh bình và nhà vua đã già.

b) Ý định của vua: người nối ngồi phải nối được chí của vua, không nhất thiết là con trưởng.

c) Hình thức chọn: thử tài (nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý vua sẽ được truyền ngôi).

2. Trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ, vì:

- Mẹ chàng trước kia bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết. So với anh em, chàng là người thiệt thòi nhất.

- Tuy là con vua, nhưng “từ khi lớn lên, ra ở. riêng” chàng “chỉ chăm lo việc đồng áng, trổng lúa, trồng khoai” - sống cuộc sống như dân thường.

- Chàng là người hiểu được ý thần: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”; đồng thời chàng tự sáng tạo để thực hiện được ý đó: lấy gạo làm bánh lễ Tiên vương.

3. Hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua vì:

- Hai thứ bánh đó thể hiện sự quý trọng nghề nông, quý trọng sản phẩm do con người làm ra.

- Hai thứ bánh đó thể hiện ý tưởng sáng tạo sâu xa: gợi hình Trời, gợi hình Đất, bao hàm phong vị cây cỏ muôn loài và tinh thần đùm bọc.

Việc vua Hùng chọn Lang Liêu nối ngôi chứng tỏ vua trọng người vừa có tài có đức vừa có lòng hiếu thảo; đồng thời qua đó cũng đề cao phẩm chất sáng tạo của nhân dân.

4. Ý nghĩa của truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy:

- Thông qua việc giải thích nguồn gốc sự vật (bánh chưng, bánh giầy), truyện đề cao trí thông minh và lòng hiếu thảo của người lao động, đề cao nghề nông.

- Qua cách vua Hùng lựa chọn người nối ngôi là Lang Liêu, truyện còn thể hiện ý thức tôn kính tổ tiên, đồng thời thể hiện ý thức xây dựng phong tục tập quán trên cơ sở coi trọng những yếu tố giản dị nhung thiêng liêng và giàu ý nghĩa của nhân dân.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Phong tục làm bánh chưng, bánh giầy trong ngày Tết của nhân dân ta có một ý nghĩa hết sức cao đẹp, đó là sự tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính tổ tiên, đồng thời thể hiện tinh thần coi trọng nghề nông.

2. Đọc truyện, mỗi người có thể thích một chi tiết khác nhau, chẳng hạn:

- Chi tiết nhà vua gọi các con lại và nói: “... ta già rồi, không sống mãi ở đời, người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám” vì đây là chi tiết tạo nên sự hồi hộp cho người nghe; nó có tính chất như câu đố trong một cuộc thi. Các “dữ kiện” đặt ra vừa rõ ràng (không nhất thiết là con trưởng), vừa hàm chứa nhiều khả năng dự đoán bất ngờ (nối được chí ta, làm vừa ý ta).

- Chi tiết Lang Liêu mộng thấy thần đến bảo : “Trong đất trời, không gì quý bằng hạt gạo...” vì đây là chi tiết kì ảo có giá trị làm tăng sức hấp dẫn của truyện, đồng thời khẳng định giá trị của sản phẩm do nhân dân làm ra...

- Chi tiết “Vua họp mọi người lại” rồi nói về ý nghĩa của hai loại bánh và nhận xét của vua về bánh chưng, bánh giầy thể hiện sự trân trọng khả năng sáng tạo của người lao động

IV - THAM KHẢO

Vậy là, trong hai thứ bánh có cả đất trời vũ trụ, cầm thú, cỏ cây, lại có cả tình người đùm bọc lẫn nhau. Thật thiêng liêng biết bao! Bánh đã được đích thân vua Hùng đặt tên một cách trang trọng giữa triều đình cùng với lời truyền ngôi cho Lang Liêu - người anh hùng văn hoá đã sáng tạo ra loại bánh làm bằng hạt gạo - sản phẩm của nghề nông. Bánh chưng, bánh giầy đã làm cho “nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi” và đã đi vào phong tục Tết Việt Nam từ những ngày ấy. Cho nên, tìm về Sự tích bánh chưng, bánh giầy không chỉ là tìm về nguồn gốc những thứ bánh ngon trong ngày Tết cổ truyền, mà chính là tìm về hồn thiêng của dân tộc. Hương vị quê hương đất nước, ý chí của cha ông đọng lại trong câu chuyên dổi dào ý nghĩa này.

NGUYỄN XUÂN LẠC

(Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 6, Sđd)

Viết bình luận