Soạn bài: Bài toán dân số

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Bài toán dân số là một văn bản nhật dụng thể hiện chủ đề dân số (trong mối quan hệ với tương lai của mỗi dân tộc), khá hấp dẫn vì nó được viết theo phương thức lập luận kết hợp với tự sự.

2. Thông qua bài báo, tác giả đặt vấn đề cảnh báo nguy cơ bùng nổ và gia tăng dân số, đó là hiểm hoạ cho chính loài người.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài toán dân số được cấu trúc thành ba phần:

- Phần Mở bài (từ đầu đến sáng mắt ra), tác giả nêu ra vấn đề: Bài toán dân số và kế hoạch hoá gia đình đã được đặt ra từ thời cổ đại.

- Phần Thân bài (từ Đó là câu chuyên từ bài toán cổ đến ô thứ 31 của bàn cờ), tác giả làm rõ vấn đề đã được nêu ra: Tốc độ gia tăng nhanh chóng của dân số thế giới.

- Phần Kết bài (từ Đừng để cho đến hết): Kêu gọi loài người cần kìm chế tốc độ gia tăng dân số.

2. Với một cấu trúc chặt chẽ như vây, trong vãn bản này, tác giả tập trung luận giải các nội dung thiết thực:

Trước hết, bài toán cổ và ý nghĩa về sự gia tăng nhanh chóng của số lượng: ô đầu tiên của bàn cờ chỉ là một hạt thóc, nếu gia tăng theo cấp số nhân thì đến hết 64 ô. Tốc độ gia tăng thực sự rất lớn, ngoài sức tưởng tượng.

Thứ hai, sự gia tăng dân số của thế giới giống như lượng thóc tăng lên trong các ô bàn cờ. Lịch sử loài người tính đến năm 1995 đã là 5,63 tỉ người, nằm ở khoảng ô thứ 30 của bàn cờ trong bài toán cổ.

Thứ ba, để mỗi gia đình chỉ sinh hai con là điều rất khó thực hiện, vì trên thực tế, tỉ lệ phổ biến là phụ nữ sinh hơn hai con. Trong khi nếu đúng là mỗi gia đình chỉ sinh hai con thì chúng ta đang ''mon men sang ô thứ 31 của bàn cờ".

Như vậy, nội dung chính mà tác giả muốn đặt ra trong bài văn này là: Con người ngày càng nhiều lên gấp bội mà đất đai thì diện tích vẫn thế. Vì chính sự sống của mình, con người buộc phải hạn chế sự gia tăng dân số. Đồng thời, tưởng rằng vấn đề dân số là của xã hội hiện đại thế mà nó đã được đặt ra trong ý nghĩa của một bài toán từ thời cổ đại. Đây chính là điều khiến tác giả "sáng mắt ra".

3. Về cách thức thể hiện, với việc sử dụng câu chuyện kén rể của nhà thông thái, tác giả đã làm nổi bật vấn đề tốc độ gia tăng dân số; đồng thời làm tăng sức hấp dẫn cho bài viết. Mượn xưa để nói nay, sự giống nhau giữa số thóc tăng theo cấp số nhân với công bội hai và tình trạng bùng nổ dân số cả khi mỗi gia đình chỉ sinh hai con đã cho người đọc hình dung được một cách cụ thể về tốc độ gia tăng dân số. Tốc độ gia tăng nhanh đến mức bùng nổ được cảnh báo bằng hình ảnh một lượng thóc khổng lồ "có thể phủ kín bề mặt trái đất"...

4. Việc đưa ra những con số về tỉ lệ sinh con của phụ nữ ở một số nước theo thông báo của Hội nghị Cai-rô là rất có ý nghĩa. Phụ nữ có thể sinh rất nhiều con, ở các nước chậm phát triển người ta lại sinh nhiều con. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và sự phát triển đời sống xã hội có quan hệ mật thiết với nhau. Cái này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của cái kia và ngược lại. Đông dân sẽ dẫn tới nghèo đói, lạc hậu; dân số tăng nhanh sẽ kìm hãm sự phát triển (về mọi mặt) của đời sống xã hội. Đời sống xã hội kém thì trình độ nhận thức của người dân kém, các điều kiện để khống chế sự tăng dân số cũng không đảm bảo, dẫn đến dân số tăng nhanh.

5. Vì chính cuộc sống của chúng ta, hãy nhận thức đầy đủ về vấn đề dân số, cùng có trách nhiệm trong việc hạn chế sự gia tâng dân số. Đây chính là điều mà tác giả của bài viết mong muốn ở người đọc.

Viết bình luận