Soạn bài: Bài 4 - Lão Hạc

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Học sinh tự tìm đọc cả truyện ngắn Lão Hạc.

Đọc diễn cảm đoạn văn trích.

* Chú ý vào các ý chính

Bố con lão Hạc rất cùng khổ. Anh con trai vì không đủ tiền cưới vợ đã phẫn chí, bỏ đi làm phu đồn điền tận Nam Kì. Lão một mình thui thủi với con chó vàng mà lão thường âu yếm gọi là cậu Vàng. Con chó không chỉ là người bạn cho lão làm khuây mà còn là một kỉ vật của đứa con trai của lão.

Lão Hạc làm thuê, làm mướn kiếm ăn, nhưng sau một trận ốm nặng kéo dài, sức khỏe lão suy yếu, tiền dành dụm bấy lâu cạn kiệt. Lão không có việc. Lại gặp trận bão, hoa màu bị phá sạch. Giá gạo lại lên cao. Lão phân vân không biết lấy tiền đâu để nuôi cậu Vàng, lại không muốn phạm vào đồng tiền, mảnh vườn để dành cho anh con trai, mà cho “cậu Vàng" ăn ít thi "cậu ấy gầy đi bán hụt tiền’’.

1. Diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán cậu Vàng.

Mặc dù rất yêu thương con chó Vàng, nhưng lão Hạc cũng đành phải bán đi vì không nuôi nổi nó và sợ tiêu lạm vào số tiền lâu nay lão đã dành dụm cho đứa con trai, đứa con vì nghèo mà phẫn chí bỏ làng đi.

Nỗi đau của người cha bất hạnh này là ở chỗ đó.
Lão Hạc toan tính mãi, dằn vặt mãi và do dự mãi mới quyết định gọi người tới bán.

Khi chuyện trò với ông giáo về việc bán con chó Vàng, lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước... Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc... Lão Hạc cứ day dứt, ăn năn mãi vì già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó. Những chi tiết miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão lúc ấy cho thấy nội tâm của lão đang đau đớn, xót xa, ân hận đến cùng cực.

Tình cảm của lão Hạc đối với con chó Vàng là sự thể hiện gián tiếp tình yêu thương sâu nặng của lão đốì với con trai. Từ ngày anh con trai phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su vì không có tiền cưới vợ, lão Hạc ở nhà đợi con về luôn mang tâm trạng day dứt vì đã không cho con bán vườn lấy vợ. Lão ân hận thấy mình có lỗi vì không lo liệu nổi cho con. Lão cố tâm dành dụm để khỏa lấp mặc cảm ấy! Do vậy, dù rất thương cậu Vàng nhưng đến nỗi này thì lão cũng phải bán, vì không muốn tiêu phạm vào đồng tiền và mảnh vườn mà lão cố giữ cả cho con trai. Việc phải bán cậu Vàng cho thấy tình thương con của lão Hạc sâu nặng biết bao.

2. Nguyên nhân cái chết của lão Hạc. Suy nghĩ về tình cảnh cùng đường và về bản chất, tính cách của lão qua những điều lão thu xếp nhờ cậy "ông giáo" rồi sau đó tìm đến cái chết

Tình cảnh túng quẫn, đói khổ ngày càng đe dọa lão Hạc và đẩy lão vào cõi chết để tìm một lối thoát cuối cùng, đủ thấy số phận bi thảm của những người nông dân nghèo khổ ở những năm đen tối trước Cách mạng tháng Tám.

Nhưng suy cho cùng, việc lão tìm đến cái chết một cách tự nguyện là cũng vì con. Nên nhớ, khi đó lão Hạc còn ba mươi đồng bạc (một số tiền khá lớn thời bây giờ) và mảnh vườn ba sào. Nhưng lão nhất quyết không tiêu pham vào cái vốn liếng cuối cùng mà lão đã dành cho con. Lão Hạc chết là để dành phần sống cho con trai lão. Lão Hạc cũng là người đầy khí tiết, có lòng tự trọng. Thà chịu đói, chịu chết chứ không ngửa tay xin người khác.

Qua những điều lão Hạc thu xếp và nhờ cậy “ông giáo”, ta thấy lão là con người cẩn thận, chu đáo, hay suy nghĩ và nhận biêt rõ tình cảnh của mình khi đó. Lão đau đáu một nỗi lo không giữ được ba sào vườn cho con trai. Lão tự trọng, không muốn gây phiền hà cho lối xóm bà con nên đã âm thầm lo liệu mọi đường cho cái chết của mình từ khi bán “cậu Vàng”.

3. Thái độ, tình cảm của "ông giáo" đối với lão Hạc

Khi nghe lão Hạc kể chuyện, “ông giáo” ái ngại cho tình cảnh của lão. Ông an ủi và sau đó nhận lời nhờ cậy của lão. Nhiều lúc ông đã giấu giếm vợ ngấm ngầm giúp đỡ cho người láng giềng tội nghiệp này. Khi hiểu lầm lão Hạc làm liều, ông giáo hơi thất vọng, cảm thấy cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn. Vì xưa nay, ông vẫn tin vào nhân cách của lão Hạc.

Đến lúc hiểu ra, đó chỉ là sự hiểu lầm. Cái chết của lão Hạc càng làm sáng tỏ thêm vẻ đẹp tâm hồn của lão. Ông giáo thấy “cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn” vì cuộc đời vẫn không làm mất đi niềm tin của óng vào bản chất lương thiện của người nông dân lao động. Ông giáo tự hứa trao lại số tiền và ba sào vườn lão đã gửi gắm cho con trai của lão.

4. Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để định bắt một con chó hàng xóm thì “ông giáo” cảm thấy “cuộc đời quả thật đáng buồn”.

Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc “ông giáo” đã nghĩ: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.

Ông giáo cảm thấy: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn” vì lâu nay ông vẫn tin vào nhân cách của lão Hạc, đâu ngờ “bần cùng sinh đạo tặc” “đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết”.

Nhưng đó chỉ là hiểu lầm. Lão Hạc xin bả chó là để tự kết liễu đời mình. Cái chết đột ngột càng làm sáng đẹp thêm những phẩm chất đáng quý của lão. Vì vậy, ông giáo cảm thấy: “Không! Cuộc đời chưa hẳn là đáng buồn” (vì cuộc đời vẫn còn những con người đáng quý, thà chịu chết vật vã đau đớn mà không làm phiền lụy con cái, láng giềng). Sở dĩ ông giáo lại nghĩ: “nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác” là vì trong cuộc đời ấy, những con người lương thiện như lão Hạc không có đất sống, cái giá của người gìn giữ nhân cách đã được nhà văn thể hiện một cách thành công.

5. Đặc sắc nghệ thuật của truyện

a) Nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu là qua nhân vật lão Hạc:

Nhà văn Nam Cao rất điêu luyện trong việc xây dựng nhân vật lão Hạc. Bằng phương pháp đối lập, nhà văn tạo vẻ bề ngoài cho lão Hạc dường như lẩm cẩm, gàn dở, đôi lúc bị nghi ngờ là phường “đâm heo thuốc chó” nữa, nhưng bên trong lão lại là một người có vẻ đẹp tâm hồn cao quý, đáng kính trọng.

b) Cách dựng truyện

Nhà văn dựng truyện chân thực và sinh động, ông dẫn người đọc đi vào mạch truyện đầy khéo léo, bất ngờ. Càng lúc truyện càng căng thẳng, qua đó, bộc lộ tính cách nhân vật. Anh con trai vì nghèo đói đã bỏ làng ra đi đồn điền cao su kiếm tiền. Lão Hạc ở nhà chăm sóc con chó của con mình như một kỉ vật. Rồi do bệnh tật, thất nghiệp, đói kém, lão phải bán con chó. Nhưng do sợ tiêu mất tiền dành dụm, mất vườn của con nên lão gửi tiền và văn tự bán vườn cho ông giáo. Lão xin bả chó của Binh Tư để tự tử. Cái chết đột ngột của lão để giải quyết mâu thuẫn giữa tình thương con và sự đói nghèo. Việc lão xin bả chó của Binh Tư tạo sự hiểu lầm hấp dẫn làm cho hình ảnh lão Hạc sau đó, khi mọi việc được hiểu đúng, sáng đẹp hơn biết bao lần...

c) Ngôn ngữ của truyện

Truyện được viết với nghệ thuật ngôn ngữ cô đọng. Nét nổi bật là ngôn ngữ đối thoại và độc thoại đầy chất trữ tình mang cả tình cảm, suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật.

6. Sau khi vợ nhận xét không hay về lão Hạc, ông giáo suy nghĩ: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố gắng mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cái cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương...".

Suy nghĩ của ông giáo thể hiện cách nhìn nhận người nông dân của nhà văn Nam Cao. Theo nhà văn, chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá bằng đôi mắt của tình thương và lòng tin mới thấy hết được bản chất tốt đẹp của họ. Đây đúng là một quan điểm tiến bộ, đúng đắn và sâu sắc, đầy tính nhân văn của nhà văn Nam Cao.

7. Cảm nhận về cuộc đời và tính cách người nông dân trong xã hội cũ qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc

Từ đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, người đọc thấy được tình cảnh túng quẫn, nghèo khổ cùng đường của tầng lớp nông dân bần cùng trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

Lấp lánh trong từng trang văn ấy là vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lòng tận tụy hi sinh vì người thân ruột thịt của con người lam lũ, cùng khổ nhưng rất đáng kính trọng ấy.

Nếu vẻ đẹp tâm hồn của chị Dậu là sức mạnh của tình yêu thương, của tiềm năng phản kháng thì vẻ đẹp của lão Hạc là vẻ đẹp của nhân cách, của hoa sen nở cánh trong bùn, của con cò lộn cổ xuống ao dù chết cũng muốn chết trong sạch.

Viết bình luận