Soạn bài: Bài 22 - Thêm trạng ngữ cho câu (tiếp theo)

I. Công dụng của trạng ngữ

1. Trạng ngữ không phải là thành phần bắt buộc của câu nhưng trong các câu sau đây ta không nên lược bỏ trạng ngữ:

a) Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng. [...]

Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê màu. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

Các câu này có các trạng ngữ:

- Thường thường, vào khoảng đó (chỉ thời gian)

- Sáng dậy (chỉ thời gian)

- Trên giàn hoa lí (chỉ nơi chốn)

- Chỉ độ tám chín giờ sáng (chỉ thời gian)

b) Về mùa Đông, lá bàng đỏ như màu đồng hun.

Trạng ngữ: về mùa Đông (chỉ thời gian)

Lí do không nên lược bỏ trạng ngữ vì các trạng ngữ này góp phần làm cho ý văn thêm cụ thể, thêm rõ ràng giúp cho người đọc hiểu được sự việc đã xảy ra vào lúc nào, ở đâu.

2. Trong một bài văn nghị luận, trạng ngữ giúp cho việc sắp xếp các luận cứ theo những trình tự thời gian, không gian, nguyên nhân, kết quả được thuận lợi. Trạng ngữ còn giúp cho việc nối kết các câu các đoạn được hoàn chỉnh và mạch lạc chặt chẽ.

Ghi nhớ: Trạng ngữ có những công dụng như sau:

  • Xác định hoàn cảnh, điều kiện diễn ra sự việc nêu trong câu, góp phần làm cho nội dung của câu được đầy đủ, chính xác.
  • Nối kết các câu, các đoạn với nhau, góp phần làm cho đoạn văn, bài văn được mạch lạc.

II. Tách trạng ngữ thành câu riêng

1. Câu in đậm dưới đây có gì đặc biệt?

Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó.

(Đặng Thai Mai)

Trả lời: Câu in đậm trên chính là bộ phận trạng ngữ được tách rời ra.

2. Việc tách câu trên có tác dụng gì?

Trả lời: Việc tách trạng ngữ thành câu riêng như ở đây là để nhấn mạnh ý.

Ghi nhớ:

Trong một số trường hợp, để nhấn mạnh ý, chuyển ý hoặc thể hiện những tình huống, cảm xúc nhất định, người ta có thể tách trạng ngữ, đặc biệt là trạng ngữ đứng cuối câu, thành những câu riêng.

III. Luyện tập

1. Nêu công dụng của trạng ngữ trong các đoạn đã cho:

a) Trạng ngữ: “kết hợp những bài này lại” chỉ cách thức diễn ra sự việc

Trạng ngữ: “ở loại bài thứ nhẩt” chỉ nơi chốn

Trạng ngữ: “ở loại bài thứ hai” chỉ nơi chốn

b) Trạng ngữ: “Lần đầu tiên chập chững bước đi” chỉ thời gian.

Trạng ngữ: “Lần đầu tập bơi” chỉ thời gian

Trạng ngữ: “Lần đầu tiên chơi bóng bàn” chỉ thời gian.

Trạng ngữ: “Lúc còn học phổ thông" chỉ thời gian.

2. Những trường hợp trạng ngữ được tách thành câu riêng:

a) - “Năm 72" (nhằm nhấn mạnh ý về thời gian).

- “Trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ đờn li biệt, bồn chồn” (nhằm thể hiện một tình huống dạt dào cảm xúc).

3. Viết một đoạn ngắn trình bày suy nghĩ về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Chỉ ra các trạng ngữ và cho biết vì sao cần có trạng ngữ trong các trường hợp đó:

- Từ khi còn thơ bé, em đã nằm lắng nghe tiếng mẹ ru êm. Những hình ảnh “con cò bay lả, bay la”, những từ ngữ “gập ghềnh, lắt lẻo” đã dần dần in sâu vào tâm trí em.

Lớn lên, em được đi học và mỗi năm lên một lớp cao hơn. Qua sách giáo khoa, qua các bài giảng của thầy, qua sách báo đọc thêm, em đã thuộc bao nhiêu là câu văn hay, câu thơ đẹp:

“Tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn lên những tòa nhà cao tầng của thành phố khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét. Màn đêm mờ ảo đang lắng dần rồi chìm vào đất. Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương... Những vùng cây xanh bỗng òa tươi trong nắng sớm. Ánh đèn từ muôn ngàn ô vuông cửa sổ loãng đi rất nhanh và thưa thớt tắt. Ba ngọn đèn đỏ trên tháp phát sóng đài truyền hình có vẻ bị hạ thấp và kéo gần lại. Mặt trời đang chầm chậm lơ lửng như một quả bóng bay mềm mại”.

(Trích bài “Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh” của Nguyễn Mạnh Tuấn)

- Cô kia tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

(Ca dao)

- Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện Kiều)

- Trăm cô gái tựa tiên sa

Múa chàng đôi với chàng ba rập rình

Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình

Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non

(Trích bài thơ “Qua Thậm Thình” của Nguyễn Bùi Vợi)

Càng ngày em càng hiểu ra tiếng Việt của mình thật là giàu và đẹp làm em càng yêu quý tiếng Việt như yêu quý cảnh bờ sông, đồng lúa quê em.

Các trạng ngữ đã dùng:

- “Từ khi còn thơ bé” chỉ thời gian.

- “Lớn lên” chỉ thời gian.

- “Qua sách giáo khoa”, qua các bài giảng của thầy, qua sách báo đọc thêm chỉ các phương tiện.

Các trạng ngữ này cần có để chỉ rõ thời gian đã xảy ra sự việc. Có trạng ngữ còn chỉ ra các phương tiện học tập.

Kết quả cần đạt

  • Nắm được công dụng của trạng ngữ và bước đầu tiên hiểu được tác dụng của việc tách trạng ngữ thành câu riêng.
  • Bước đầu hiểu được cách làm một bài văn lập luận chứng minh.
  • Vận dụng được những hiểu biết chung về cách làm bài văn chứng minh vào việc giải quyết một vấn đề xã hội gần gũi, quen thuộc.

Viết bình luận