Soạn bài: Bài 20 - Tức cảnh Pác Bó

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng khắp bốn biển năm châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khi ấy, Người sống và làm việc tại hang Pác Bó, gần biên giới Việt Trung, thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trước hang Pác Bó có dòng suối mà Người đặt tên là suối Lê Nin. Hằng ngày, Bác làm việc trên tảng đá dùng làm bàn bên bờ suối. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Người sáng tác vào tháng 2 năm 1941 trong thời gian Người về ở đó.

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ thuộc thể thơ gì? Hãy kể tên một số bài đã học cùng thể thơ này.

- Bài thơ này viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, một thể thơ quen thuộc của Đường thi, mỗi bài chỉ có 4 câu, mỗi câu 7 tiếng, phần lớn là gieo vần bằng, vần nằm ở cuôi câu thứ nhất, cuối câu thứ hai và cuối câu thứ 4.

- Một số bài cùng thể thơ này:

MỜI TRẦU

Hồ Xuân Hương

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi!

THƠ CHÚC TẾT

Hồ Chí Minh (Xuân 1967)

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mĩ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa.

CÁI PHÁO

Nguyễn Hữu Chỉnh

Xác không, vốn những cậy tay người

Bao nả công trình, tạch cái thôi!

Kêu lắm, lại càng tan tác lắm

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Ghi chú: Cũng có khi, trong bài thơ tứ tuyệt, câu đầu kết thúc bằng âm trắc và như vậy chỉ có câu hai và câu bốn hiệp vần với nhau. Ví dụ bài thơ sau:

NGƯỜI VÀ HOA

Nguyễn Quân

Chị vác cành mai đi giữa phố

Trăm nghìn con mắt ngắm nhìn hoa

Vô tình cứ thế mai đua nở

Hoa cháy bừng lên, dáng chị nhòa.

2. Nhận xét về giọng điệu chung của bài thơ:

Nhìn chung bài thơ này có một giọng điệu bình dị, tự nhiên pha chút đùa vui. Điều này đã thể hiện rất rõ tâm trạng của Bác Hồ. Trong điều kiện sinh hoạt rât khó khăn, thiếu thốn, gian khổ: ở thì phải ngủ trong hang, viết thì phải kiếm một phiến đá tương đối phẳng làm bàn, ăn thì không đủ gạo, cơm phải dùng ngô (bắp) nấu cháo ăn độn với măng rừng... nhưng Bác Hồ vẫn thấy thoải mái, tự nhiên. Người vẫn thấy mình làm chủ hoàn cảnh nên rất tự do trong sinh hoạt và làm việc: “Sáng ra bờ suối tối vào hang”. Các từ ngữ “sẵn sàng”, “thật là sang”, đó là cách Người thể hiện lối nói cường điệu niềm vui của Người.

Người thấy sống gian khổ như vậy vẫn “thật là sang”, vì Người biết dân ta còn khổ, nhiều người còn đói thiếu hơn, vì Người biết sống để phấn đấu cho cách mạng, thấy lợi là phải biết chịu đựng khó khăn, gian khổ nên chẳng đòi hỏi những điều kiện sống đầy đủ hơn và cũng vì Người luôn có lòng lạc quan, tin rằng cách mạng giải phóng dân tộc nhất định sẽ thành công. Ta còn có thể thấy rằng Người viết lời thơ như vậy để động viên các đồng chí khác, để truyền niềm tin tất thắng đến mọi người xung quanh.

3. Người xưa cũng thường ca ngợi “thú lâm tuyền”, ví dụ như bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi (trích):

Côn Sơn có suối nước trong

Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm

Côn Sơn có đá tần vần

Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi

Côn Sơn thông tốt ngất trời

Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do

Côn Sơn trúc mọc đầy gò

Lá xanh rợp mát ta thời tự do.

(Nguyễn Trọng Thuật dịch từ thơ chữ Hán)

Ở đây Bác cũng tỏ ý vui thích, thoải mái khi sống giữa thiên nhiên hang, suối, núi, rừng. Tuy nhiên giữa người xưa và Bác Hồ khác nhau ở chỗ: Người xưa thường lui về sống giữa thiên nhiên khi đã chán ghét con đường công danh, khi thấy thời thế đã rối loạn, khi thấy tài năng của mình đã không còn được coi trọng hoặc khi thấy mình cũng bất lực trước sự suy vong của xã hội... Vì thế quay về sống giữa thiên nhiên thường là để ở ẩn, để lánh đời, để tránh đục, giữ trong. Trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người về ở ẩn là nỗi lo, là nỗi buồn, là sự chán nản, bi quan. Còn Bác Hồ ngủ hang, làm việc bên bờ suối, ăn cháo, ăn măng không phải để ẩn dật, lánh đời mà để giữ bí mật cách mạng, để nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng. Khi ngọn lửa đó cháy bùng lên sẽ mạnh như bão táp, thiêu cháy hết bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Người cũng lo cho công việc của cách mạng, nhưng Người vẫn luôn lạc quan tin tưởng. Thiên nhiên đem lại cho Người bầu không khí trong lành, giúp cho Người có những lúc thư thái được ngắm nhìn cảnh đẹp và nhờ đó Người càng có thêm sức mạnh để đấu tranh.

Viết bình luận