Soạn bài: Bài 15 - Chiếc lược ngà (trích)

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả

Nguyễn Quang Sáng sinh năm năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim thể hiện cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

2. Tác phẩm

Truyện ngắn Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ, trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Truyện này tập trung viết tình đồng chí những người cán bộ cách mạng.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Tóm tắt truyện “Chiếc lược ngà ” (Đoạn trích giảng)

Thời gian kháng chiến chống Pháp, ông Sáu hoạt động xa nhà, mặc dù rất nhớ con nhưng ông không thể về thăm con được.

Khi hòa bình lập lại, con gái lên tám tuổi, ông Sáu mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu - con ông - nhất định không chịu nhận ông là ba vì vết sẹo trên mặt làm ông Sáu không còn giống với người trong bức ảnh chụp mà cô bé này đã biết. Điều đó làm ông buồn bã. Đến lúc ông Sáu sắp phải lên đường bé Thu mới nhận ông là ba và không chịu cho ông đi.

Ở khu căn cứ, những ngày xa và nhớ con da diết, ông Sáu dành thời gian làm cho con chiếc lược bằng ngà voi. Trong một trận càn, ông đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt ông còn kịp trao lại chiếc lược ngà cho người bạn.

Truyện đã thể hiện tình phụ tử sâu sắc của hai cha con ông Sáu và bé Thu trong hai tình huống éo le:

- Sau tám năm xa cách nhau, hai cha con mới gặp gỡ lại nhưng trớ trêu là bé Thu không chịu nhận cha, đến lúc em nhận và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì lại phải chia tay.

- Những ngày xa và nhớ con da diết, ông Sáu dồn tất cả tình thương yêu và mong nhớ vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp gửi món quà ấy cho con gái thân yêu.

Hai tình huống trên, tình huống đầu bộc lộ tình cảm sâu sắc của ông Sáu đối với con.

2. Diễn biến tâm trạng và thái độ của bé Thu

Khi về thăm nhà, ông Sáu vồ vập và nôn nóng gặp con nhưng bé Thu “ngoảnh mặt đi, rồi vụt chạy và kêu thét lén”. Em không chịu nhận ông Sáu là ba mà lại giữ một thái độ xa cách, nghi ngại chỉ gọi trống không, không nhờ ông giúp khi phải đánh vật với nồi cơm to trong bếp mặc dù má em đã dặn phải để ba giúp chắt nước.

- Trong bữa ăn, ông Sáu gắp thức ăn cho Thu, Thu hắt thức ăn đi khiến ông tức giận. Không kiềm chế được, ông nặng lời và đánh Thu. Bé Thu không khóc mà bỏ về nhà bà ngoại. Lí do khiến Thu không nhận ông Sáu là cha mình là vì ông có vết sẹo trên mặt, không giống người trong ảnh chụp chung với má.

Nhưng được bà ngoại giải thích, Thu suy nghĩ rất lâu rồi mới đi tới niềm tin thật sự. Đến khi ông Sáu chia tay với gia đình bất ngờ Thu đã bộc lộ tình cảm với cha mình thật nồng nhiệt, xúc động, tha thiết. Tưởng như tình cảm ấy đã bị dồn nén lâu ngày nay gặp dịp bùng nổ mãnh liệt.

Sự vùng vằng ương ngạnh của bé Thu lúc đầu là điều dễ hiểu và không đáng trách vì lúc đó em còn nhỏ quá đâu hiểu hết được những tình thế khắc nghiệt éo le của đời sống trong chiến tranh. Điều này cũng cho thấy đây là một nhân vật có cá tính mạnh mẽ.

Qua diễn biến tâm trạng của bé Thu như vừa nói ta nhận ra rằng nhà văn Nguyễn Quang Sáng am hiểu tâm lí trẻ thơ nên diễn tả chân thực và sinh động tinh tế và hợp lí.

3. Phân tích tình cảm cha con sâu nặng ở ông Sáu

Tình cảm của ông Sáu đối với con đã thể hiện ngay từ chuyến về phép thăm nhà được gặp con nhưng chỉ mới thể hiện phần nào. Tình cảm sâu nặng của ông được tập trung biểu hiện ở phần sau của truyện lúc ông ở trong rừng tại nơi căn cứ.

đây ông Sáu đã chăm chú và cẩn thận làm chiếc lược cho con.

Ông dồn hết cả tình thương và nỗi nhớ vào đó.

Vào rừng sâu kiếm được đoạn ngà voi, ông vui mừng vô cùng, hớt hải chạy về ông khoe với bạn và hớn hở như đứa trẻ được quà.

Sau đó ông đã bắt tay vào chiếc lược với một niềm say mê, sự công phu hết sức đặc biệt. Lấy vỏ đạn 20 li làm một cây cưa nhỏ, ông “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. “Trên sống lưng lược có khắc một dòng chữ nhỏ mà ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nhưng rồi đau đớn thay: ông đã hi sinh khi chưa kịp trao vào tay con gái chiếc lược ngà ấy.

4. Nghệ thuật trần thuật của truyện

Truyện ngắn Chiếc lược ngà được trần thuật theo lời của bác Ba, bạn ông Sáu. Đây là người đã chứng kiến những cảnh ngộ éo le của cha con ông Sáu. Không những thế, bác Ba còn là người đã tham gia vào một số sự việc lựa chọn vai để kể như vậy khiến cho câu chuyện được tăng thêm độ tin cậy, xác thực. Người kể trong trường hợp này còn có hội bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật trong truyện. Và qua những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật kể chuyện mà các chi tiết, sự việc và nhân vật khác trong truyện sẽ bộc lộ rõ hơn đồng thời tư tưởng, ý nghĩa của truyện tăng thêm sức thuyết phục.

Ghi nhớ:

- Bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ, tự nhiên, hợp lí truyện đã thể hiện tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

- Truyện đã thành công trong công việc miêu tả tâm lí, trong xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu.

Viết bình luận