Soạn bài: Bài 14 - Viết bài tập làm văn số 3 - Văn thuyết minh (làm tại lớp)

Đề bài: Thuyết minh về chiếc bút bi.

Bài tham khảo

Trước kia, khi chưa có chữ viết, truyền miệng là phương thức để con người truyền lại các tri thức của mình. Khi chữ viết xuất hiện, con người sáng tạo ra chiếc bút để ghi lại những thông điệp, suy nghĩ hay tri thức của nhân loại. Qua bao nhiêu sự cải tiến, sáng tạo của con người, chiếc bút bi đã ra đời. Chiếc bút bi - sản phẩm của trí tuệ con người, một công cụ viết tiện lợi và thông dụng.

Hiện nay trên thị trường sử dụng rộng rãi hai loại bút bi: bút bi có nắp đậy và bút bi có lò xo. Dù thuộc loại nào thì bút bi cũng có hai phần chính: vỏ bút và ruột bút. Vỏ bút được làm bằng nhựa cứng bao quanh ruột bút. Cấu tạo phổ biến của vỏ bút là hình trụ, thuôn dài về phía đầu bút. Nhờ cấu tạo này, ta có thể cầm bút viết dễ dàng. Ngày nay, có công ti sản xuất bút bi còn cho ra thị trường loại bút mà vỏ ngoài có thêm một lớp đệm cao su giúp người viết không bị mỏi tay khi cầm bút quá lâu. Phần bên trong vỏ bút là ruột bút. Đây là bộ phận quan trọng nhất của cây bút. Ruột bút lại gồm hai phần: ống bút và ngòi bút. ống bút nhỏ, mềm và rỗng dùng để chứa mực, đầu ống bút gắn với ngòi bút. Ngòi bút bằng kim loại và có gắn một viên bi vô cùng nhỏ - đó là lí do vì sao loại bút này được gọi là bút bi.

Hiện nay, các nhà sản xuất bút bi nổi tiếng như Thiên Long, Bến Nghé... không những chỉ chú ý đến chất lượng mà còn chú ý đến kiểu dáng và màu sắc, nhằm tạo ra nhiều kiểu bút khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng trên thị trường. Các bạn học sinh có thể tha hồ lựa chọn những chiếc bút với đủ loại màu sắc và hình vẽ trang trí trên vỏ bút. Ở công sở, nhiều cô bác, anh chị lại thích những chiếc bút bi có nắp đóng, màu sắc trang nhã, lịch sự. Có người lại thích chiếc bút bi có nhiều ngòi màu khác nhau giúp cho việc ghi chép càng thêm tiện lợi.

Bút bi có nhiều tiện ích trong sử dụng và bảo quản. Vì thế nó là một dụng cụ được sử dụng phổ biến, nhất là với học sinh, sinh viên. Trong học tập, với tốc độ giảng dạy và ghi chép như hiện nay, bút mực không còn được sử dụng rộng rãi như trước. Bút mực đòi hỏi phải thường xuyên bơm mực, ngòi bút mực dễ bị hỏng bởi những sơ suất trong sử dụng, mực để lâu có thể bị chết. Bút mực có nét chữ đẹp hơn nhưng tốc độ viết không nhanh. Sử dụng bút bi tiện lợi hơn nhiều, giá thành lại rẻ, viết trơn, nhanh hơn; không giây bẩn như bút mực và ít bị sự cố hỏng hóc trong khi viết.

Bút bi có nhiều công dụng, và đi kèm với nó, người sử dụng phải biết sử dụng đúng cách, bảo quản chu đáo để có thể dùng trong thời gian dài. Không nên vì giá thành của bút bi rẻ mà hoang phí, cẩu thả trong sử dụng. Các nhà sản xuất khuyên chúng ta nên đóng nắp bút (đối với loại bút bi có nắp) hoặc bấm lẫy lò xo (đối với loại bút bi lò xo) sau mỗi lần sử dụng, để bảo vệ ngòi bút và giữ được mực tốt hơn. Cũng cần chú ý bảo vệ vỏ bút khỏi bị tác nhân từ bên ngoài làm hỏng. Có thế, chiếc bút bi mới giữ được bền lâu và thực sự giúp ích cho con người một cách hữu hiệu.

Không chỉ là một đồ dùng thông thường, bút bi đích thực là một người bạn thân thiết của mỗi chúng ta.

(Bài làm của học sinh)

Đề bài: Viết bài thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam.

Bài tham khảo

“Trở lại Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón, em cầm trên tay ra đứng bờ sông”. Cùng với tà áo dài thướt tha trong những chiều thu, chiếc nón lá cũng góp phần không nhỏ tạo nên nét độc đáo, sự duyên dáng, tinh tế, thật đẹp, thật đặc biệt cho phụ nữ đất Việt.

Nước Việt Nam ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nên quanh năm nắng lắm mưa nhiều. Chiếc nón lá khâu tỉ mỉ nhiều lớp thật tiện lợi, vừa che nắng, vừa che mưa đã sớm trở thành người bạn không thể thiếu của những người phụ nữ. Với các cô gái, nón lá không đơn thuần chỉ là một vật che mưa che nắng mà chiếc nón lá còn tôn thêm vẻ duyên dáng, dịu dàng vốn có của người con gái xứ Việt. Món đồ trang sức này không cầu kì đắt tiền mà ngược lại, nó rất giản dị, mộc mạc như chính con người Việt Nam. Loại nón đặc trưng của dân Bắc Kì xưa là nón Thúng, nón rộng, vành tròn phẳng như cái mâm, ngoài cùng có đường viền nhô cao. Nón được làm bằng lá gồi nhỏ, sắc vàng hường, còn gọi là lá hồ hay lá già, có nơi còn làm nón bằng lá nón hay lá cọ. Những người thợ thủ công khéo léo phơi khô lá đặt lên khung tre khâu từng lớp, từng lớp một. Lá hồ không phải dễ tìm, không phải ở đâu cũng có, lá hồ chỉ thấy ở vùng rừng núi cao, vùng trung du. Những người đi lấy lá đóng bè chở về. Vậy là chỉ riêng việc lấy nguyên liệu làm nón thôi mà đã rất khó khăn rồi, thế mới biết sự nhọc nhằn của người làm nón. Nón Thúng có ba loại: Nón Nhỡ hay nón Ngang; Nón Đấu dùng để che nắng mưa; Nón Mười còn gọi là nón Ba Tầm. Nón Ba Tầm đẹp, ken lá chọn lựa nõn nà, khâu tỉ mỉ từng đường đều đặn, các lớp lá đặt dày. Nón có đính khuy đan bằng giang vừa đế nón cân bằng, vừa hơi chòng chành theo bước đi cho mềm mại, nhẹ nhàng. Những cô gái trẻ thích gắn vào giữa khuy một cái gương nhỏ để tiện chăm sóc dung nhan của mình. Nón cân bằng hai bên và giữ cho được chắc chủ yếu là nhờ quai thao. Đây là sợi dây dệt bằng tơ ở hai đầu có tua thao mềm mại, tôn lên tính cách dịu dàng, hiền hòa của người Việt. Thời đại đổi thay, nón lá cũng phải thay đổi để hợp với thời đại, nón chóp nhọn ra đời. Ở làng Chuông nón chóp nhọn có khung bằng 16 vành tre chuốt nhỏ, mỏng, dễ uốn. Đây là kết quả của bao sự nghiên cứu, bàn luận, chọn lựa để rồi trở thành một quy tắc bất di bất dịch. Khuôn nón được làm như vậy sẽ tạo dáng nón thanh thoát, hài hòa, tôn lên vẻ đẹp của người đội nón. Dân gian có câu “Đẹp nón nhờ người thắt, đẹp mặt nhờ người khuôn” thật là quá đúng. Nhiều cô gái không thích đội nón mà cầm trên tay làm duyên, chiếc nón giúp họ cảm thấy tự tin hơn. Người thợ dùng sợi móc, sợi dừa để khâu từng lớp lá vào 16 vành. Nón của các cô gái trẻ khâu bằng lá nõn, trắng ngà, mượt mà, mỏng và nhẹ, lá phơi khô, phẳng. Phía bên trong chóp có đính gương như nón Ba Tầm. Lòng nón được trang trí hoa văn, hoặc dùng chỉ màu lòng rồi buộc quai. Nón được làm cầu kì, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mọi người, vì vậy nón chóp nhọn rất được ưa chuộng. Nón đẹp nổi tiếng của làng Chuông, làng Triều Khúc (Hà Nội)... đặc biệt là ở làng Chuông, nón được làm rất khéo và không chỉ vậy, làng Chuông còn nổi tiếng với chiếc nón bài thơ xứ Huế. Nón đẹp tựa như một tác phẩm nghệ thuật từ bàn tay diệu kì của những người thợ làm nón. Nón mỏng manh như bài thơ trữ tình được người thợ khéo léo trau chuốt, ít ai sánh được. Vành tre cật chuốt nhỏ, tăm mượt như tre ngà, nhẹ như khung bấc. Lá cọ là phẳng, phơi khô, trắng muốt xếp đều tăm tắp và được khâu bằng những sợi cước mảnh, chắc, trong suốt một cách kín đáo, tỉ mỉ. Khâu nón bao giờ cũng khâu từ đỉnh trước rồi dần dần xuống các vành nón, vết khâu phải thật đều, thẳng hàng với nhau. Giữa hai lớp lá mỏng, thêu hình trạm trổ dân gian, hình hoa lá cỏ cây kèm theo mấy câu thơ hay, đặc sắc. Khi người ta đem nón soi lên ánh sáng thì hiện lên một bức tranh trữ tình tuyệt đẹp, Quai nón được làm công phu bằng những dải lụa nõn nà đủ màu sắc: trắng trinh bạch, đen gấm sang trọng, đặc biệt là màu tím thủy chung làm tôn lên làn da và khuôn mặt xinh xắn, dịu hiền của các cô gái. Nhìn những cô gái Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ, đội nón bài thơ đi dưới những tia nắng ấm áp của mặt trời, còn lời nào tả xiết cho vẻ đẹp duyên dáng ấy. Những chiếc nón lá được các cô gái, bà mẹ nâng niu trân trọng như một vật quý. Nón lá cũng là biểu tượng của Việt Nam cùng tà áo dài Việt Nam. Những chiếc nón lá uyển chuyển mềm mại trong tay các cô gái trở thành những điệu múa thật đẹp. Nón lá chỉ người Việt Nam mới làm được, nón lá hữu dụng trong cuộc sống thường ngày, các bà, các mẹ, các chị có thể dùng che nắng, che mưa. Nón lá làm họ thêm đẹp, đẹp lạ lùng.

Ngày nay với cuộc sống hiện đại, khoa học, kĩ thuật tiên tiến những chiếc ô cùng bao loại mũ với kiểu dáng đẹp, hợp thời trang, tiện lợi đã có cùng công dụng như nón lá. Điều đó đã khiến cho chiến nón lá dần mất đi vị trí của mình. Mặc dầu vậy, nón lá luôn luôn là di sản văn hóa bền vững mang đặc trưng của thị hiếu thẩm mĩ hết sức tinh tế của người Việt. Nó là niềm tự hào của dân tộc ta.

(Cao Bích Xuân)

Đề bài: Viết bài văn thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam.

Bài tham khảo

Người Việt Nam luôn được coi là có cách ăn mặc đẹp và trang nhã nhất. Người con gái Việt Nam đã duyên dáng lại càng trở nên duyên dáng, thướt tha hơn trong chiếc áo dài dân tộc. Từ lâu chiếc áo dài đã đi vào truyền thông của dân tộc, nó đã trải qua biết bao sự đổi thay. Nhiều tên gọi, nhiều kiểu dáng, để rồi cuối cùng nó được mang dáng vẻ như bây giờ.

Khi mặc chiếc áo dài, người phụ nữ không hề cảm thấy lạc hậu trước bạn bè quốc tế mà ngược lại luôn tự hào vì mình đã gìn giữ truyền thống của dân tộc. Chiếc áo dài chưa bao giờ bị người Việt Nam lãng quên, nó được người Việt tự hào giới thiệu với bạn bè năm châu, chiếc áo dài đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới phi vật thể. Có nhiều người luôn thắc mắc không biết chiếc áo dài có từ đâu và do ai thiết kế? Thực tế thì hiện nay chưa có sách báo nào trả lời được chính xác cầu hỏi ở trên cả. Vậy liệu có phải là ở Huế, vì chiếc áo dài được người con gái Huế ưa chuộng nhất. Quả thật là ở Huế, chiếc áo dài được lưu truyền lâu đời nhất, từ xa xưa tới nay.

“Các cụ” ngày xưa - những người đã thiết kế nên chiếc áo dài, mặc dù thời tiết của nước ta rất nóng, nhưng không phải vì thế mà ăn mặc tùy tiện, mà phải mặc sao cho luôn giữ được vẻ thanh tao, trang nhã của người con gái. Chính vì điều đó mà "các cụ" đã thiết kế ra kiểu áo có cổ cao một phân, hợp với kiểu tóc búi tó của phụ nữ thời xưa, biểu lộ sự kín đáo của người con gái. Vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát sau khi xưng vương đã bắt quan quân Đàng Trong mặc lễ phục theo kiểu áo nhà Minh. Nhưng đến năm 1776, thì chúa Trịnh chiếm Đàng Trong và bắt dân cắt áo ngắn, cổ giống như cổ áo dài ngày nay. Từ thời xưa vua, chúa cũng để ý đến cách ăn mặc của nhân dân và có lẽ chính vì điều ấy chiếc áo dài đã được ra đời. Đầu thế kỉ XVII, ở Bắc Ninh chiếc áo dài mớ ba mớ bảy ra đời cùng với cách vấn khăn quả là phù hợp. Nó đã tôn vinh cái đẹp của người Việt Nam. Mãi đến tận thế kỉ XX, chiếc áo dài mớ ba mớ bảy được cải tiến thành chiếc áo năm thân. Những năm 1930-1940, cách may thì không có thay đổi gì nhưng áo đã được may bằng chất liệu láng, có màu sắc, được nhập từ châu Âu. Người phụ nữ miền Bắc thì mặc với quần đen, những cô gái xứ Huế thì mặc với quần trắng. Đến năm 1939, nhà may Cát Tường đã cho ra một chiếc áo dài mới kiểu "Le Mur" trông thật kiểu cách đã thay thế cho áo năm thân. Chiếc áo dài này được vay mượn từ kiểu áo phương Tây nên có khác đôi chỗ; phần áo dài vẫn được giữ nguyên cổ bẻ có hình trái tim, vai áo bồng, tay nối vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn phải, đôi khi còn cài nơ ở trước ngực. Kiểu áo tuy được thay đổi, cải tiến nhưng không, được nhân dân hưởng ứng, chỉ tồn tại được vài năm và đã bị thất sủng vào năm 1943. Sau khi chiếc áo “Le Mur” bị thất bại, một chiếc áo dài khác đã ngay tức khắc chiếm lĩnh với sườn áo dài được may có eo tạo dáng vẻ mềm mại cho người phụ nữ. Cứ thế, chiếc áo dài luôn thay đổi với nhiều dáng vẻ khác nhau. Cho đến năm 1960 thì thay đổi nhiều nhất. Và cùng năm đó, Trần Lệ Xuân đã cho ra một kiểu áo với tên gọi “áo bà Nhu”; chiếc áo có cổ trộn hay cổ thuyền. Chắc là do không giữ được vẻ kín đáo, nên chiếc áo cũng tồn tại không lâu. Từ sau kiểu áo đó, các nhà tạo mẫu lại sửa chiếc áo dài có những nét từ những chiếc váy của người Thượng Hải. Chiếc áo dài “mi-ni” này có vạt áo hẹp và ngắn, không được chiết eo như chiếc áo may từ những năm 50 nhưng vẫn lượn theo thân và cổ cao ba phân. Dường như những chiếc áo dài mới được ra đời này đã không còn giữ được truyền thống của người phụ nữ là ăn mặc kín đáo nữa. Từ những năm 1970 trở lại đây, người Việt Nam đã quay lại với những chiếc áo dài theo hình thức từ xa xưa chứ không hề vay mượn kiểu áo nào khác. Những chiếc áo dài ấy được may đồng màu quần, có nhiều chất liệu vải tốt, hoa văn trang nhã; vạt áo dài đến mắt cá chân luôn được thay đổi theo xu hướng thời thượng. Chiếc áo đã mang bao dáng vẻ khác nhau, nhưng tóm lại, chiếc áo dài thời xưa vẫn là đẹp nhất.

Trong chúng ta chắc chẳng mấy ai biết được nguồn gốc xuất xứ của chiếc áo dài, một trang phục rất đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam và đặc biệt là người phụ nữ, nhưng nó đã cùng dân tộc lớn lên rồi đi khắp năm châu bốn biển. Giờ đây chúng ta phải gìn giữ vốn quý lâu đời của người dân Việt Nam và để áo dài mãi là biểu tượng của người phụ nữ Việt, đẹp mà giản dị.

(Cao Bích Xuân)

Viết bình luận