Soạn bài: Bài 13 - Luyện tập kể chuyện tưởng tượng

1. Đề bài luyện tập

"Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra".

Xem phần gợi ý trong SGK .

Xem bài tham khảo ở Bài 12 - Kể chuyện tưởng tượng.

2. Đề bài bổ sung

Đề bài: Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật trong truyện cổ tích mà em yêu thích.

Bài tham khảo

Mở bài: Các bạn thân mến, tôi tên là Tấm, một cái tên quen thuộc mà các bạn thường nghe bà hoặc mẹ kể: ngày xửa, ngày xưa... Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe đôi điều về hoàn cảnh của tôi, một hoàn cảnh sống mà niềm vui thì ít nhưng nỗi buồn đau lại nhiều.

Thân bài: Bố mẹ tôi đã mất rồi. Bà dì ghẻ tính tình độc ác luôn tìm cách đọa đày tôi cho bõ ghét. Cám, đứa em cùng cha khác mẹ với tôi, cũng luôn về hùa với mẹ để làm hại tôi. Trong căn nhà đầy thù hằn này, tôi thật cô đơn. Tôi chỉ còn biết chơi với Bống. Cá Bống đúng là người bạn thân thiết nhất của tôi.

Dù là mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét, trong khi mẹ con Cám còn đang yên giấc thì tôi đã phải dậy thật sớm. Tôi phải lo nấu một nồi cám lợn thật lớn rồi nấu một niêu cơm gạo tám dẻo thơm để khi thức dậy, mẹ con Cám sẽ ăn với thịt kho. Còn phần ăn sáng của tôi thì chỉ là một củ khoai nướng hay một lưng cơm nguội lạnh ngắt lạnh ngơ, vừa khô vừa rắn. Tôi ăn qua quít cho xong rồi múc nước gạo pha cám cho lợn ăn. Tôi bốc một nắm thóc lớn rắc cho gà ăn rồi lặng lẽ đi ra giếng phía sau nhà.

Lúc này mẹ con Cám vẫn chưa dậy nên tôi có thể yên tâm chơi với Bống. Tôi ghé đầu vào miệng giếng và khẽ gọi: "Bống Bống Bang Bang! Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta! Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người! Bống Bống Bang Bang!". Đó la một câu hát do tôi tự nghĩ ra từ khi nuôi Bống. Nghe tiếng hát quen thuộc của tôi, từ đáy giếng sâu Bống ngoi lên. Cá Bống thật đáng yêu. Cái ngày nằm sót lại trong giỏ của tôi, nó chỉ bé bằng một hạt bưởi mà nay đã lớn bằng cổ tay của tôi rồi. Cái mình tròn lẳn của nó phủ một lớp vảy màu nâu. Hai vây và cái đuôi mềm mại quạt nhẹ nhàng trong nước. Nó nhô đầu lên, mở đôi mất tròn không bao giờ chớp mi để nhìn tôi. Tôi mở gói lá chuối khô lấy ra từng hạt cơm nguội mà tôi đã để dành, rắc xuống cho Bống ăn. Bống đớp từng hạt cơm và nuốt vào bụng có vẻ rất ngon lành. Cho Bống ăn xong, tôi còn dặn dò thêm: "Thôi Bống ở nhà nhé, chị phải đi chăn trâu đây, trưa về chị lại cho ăn, nhớ lặn xuống đáy giếng ẩn mình, chớ có lơ đãng ngoi lên mặt nước!". Bống bơi chầm chậm, quẩn quanh vài vòng. Bống chẳng nói lời nào nhưng tỏ vẻ hiểu hết những điều tôi nói, rồi Bống từ từ lặn xuống. Tôi dắt trâu ra đồng...

Một hôm, chừng gần trưa, khi cái bụng trâu đủ no tròn và căng lên như một cái trống lớn, tôi dong trâu về. Về tới nhà, tôi lại lo thái bèo, thái rau lang, nấu cám, thổi cơm. Sau bữa ăn trưa, khi mẹ con Cám đã vào buồng đóng cửa ngủ trưa, tôi lại rón rén ra giếng và lại khe khẽ gọi Bống. Tôi gọi xong và chờ nhưng sao mãi chẳng thấy Bống ngoi lên! Mọi ngày Bống rất nhanh nhẹn, tôi thường chưa hát hết câu ca gọi Bống thì đã nhìn thấy Bống rồi. Hôm nay sao mãi vẫn bặt tăm hơi. Tôi đã linh cảm thấy có chuyện chẳng lành. Tôi gọi tới lần thứ ba chợt từ đáy giếng, một hòn máu nhỏ đỏ tươi nổi lên. Hạt máu như đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện bi thảm đã xảy ra: mẹ con Cám đã nhiều lần rình nghe tôi gọi Bống nên hôm nay đã thừa lúc tôi ra đồng chăn trâu, dùng lời lẽ đó dụ gọi Bống lên. Bống thật thà nhô đầu lên mặt nước thì một lưỡi dao chém xuống làm Bống chết ngay. Mẹ con Cám lấy vợt xúc Bống lên đem về nấu canh.

Giọt máu của Bống chìm xuống nước, giờ lại nổi lên như một bằng chứng về tội ác. Nước mắt tôi tuôn ra. Những giọt nước mắt ấy rơi xuống gặp hòn máu đỏ bỗng cùng hòa vào nhau rồi tan vào nước giếng.

Két bài: Chuyện của tôi là vậy đấy. Các bạn có hiểu được nỗi buồn của tôi không? Người bạn tâm tình thân thiết nhất của tôi đã không còn nữa. Từ nay tôi còn biết trò chuyện với ai? Tôi còn biết chia sẻ nỗi vui buồn với ai? Lòng ghét ghen tàn nhẫn đã giết chết niềm vui nhỏ bé của tôi rồi!

Viết bình luận